ĐỊA LÝ PHONG THỦY-PHẦN KẾT
Địa lý Phong thủy là môn khoa học cổ rất có giá trị, là kết tinh của rất nhiều kiến thức từ Triết học, Khoa học, Thiên văn học đến Lịch pháp được chọn lọc thông qua phong tục tập quán, văn hóa các thời đại, là tinh hoa mà nhiều đời các gia tộc sở hữu bí quyết Địa lý Phong thủy tại Trung Hoa đều cố gắng gìn giữ như của gia bảo, chỉ những người hữu duyên và có tâm huyết mới hiểu hết giá trị mang lại. Thật không dễ tiếp thu hay tường tận mọi tuyệt học của người xưa, phần lớn kiến thức thuộc dạng này vừa không đầy đủ vừa khó nắm bắt và rất ít người còn giữ được, ngay cả tại nơi được cho là cái nôi của Phong thủy, xong không phải các Thầy ở đây đã sở hữu đầy đủ kiến thức của cổ nhân mà họ chỉ sử dụng đúng kỹ thuật của trường phái mà họ thông thuộc.
Vì lẽ quá nhiều nguyên nhân mà xưa nay người học phần lớn do đọc sách mà không được chân truyền thấu đáo, người biết không muốn tiêt lộ vì sợ phạm lời thề tông môn, người học gặp rất nhiều khó khăn do ngôn ngữ bất đồng. Các Thầy hiểu được chữ Hán lại càng ít và có kiến thức chuyên sâu về thực hành Táng mộ càng khó khăn gấp bội. Kiến thức mà chúng ta được biết và đang áp dụng lại quá nhiều thiếu xót, mâu thuẫn, có những luận điểm sai lầm mà phần lớn mọi người làm theo do thói quen, do đọc sách, thấy mọi người làm vậy nên cũng bắt chước chứ không hiểu.
- Một ví dụ đơn giản: Chữ Táng
- Trong Hán việt gồm bộ thảo là cỏ ở bên trên, chữ tử (người mất) ở giữa và bộ địa ở dưới. Cỏ là sinh khí khi còn sống, thể hiện ra bên ngoài, cỏ sẽ chết đi khi không còn sinh khí. Đất trở thành đất chết, nó có ý nghĩa quan trọng khi nhìn thấy cỏ xanh tươi tức con cháu nhận được Âm đức, và “táng” là để chôn dấu “kho tàng” nơi chứa sinh khí để linh hồn và khí tổ tiên được an nghĩ, không phân tán, con cháu cũng sẽ được bình yên. Khi xương cốt tiếp nhận thừa khí nó sẽ được ẩn cư mãi mãi và truyền phúc ấm tới hậu thế đời sau.
- Như vậy phần mộ hợp cách là cỏ mọc ở trên để sinh khí từ bên dưới đi lên thông qua hài cốt, bia đá chính là cánh cửa Âm Dương tiếp nhận thiên khí của trời và thừa khí của đất để tương thông với con cháu. Thiên – Địa – Nhân hợp nhất mà phúc ấm tổ tiên đến với nhân khí dòng họ. Rất nhiều mộ phần xây bịt kín toàn bộ làm cho nhân khí xương cốt người đã khuất không tiếp nhận được thừa khí nên ảnh hưởng đến người thân đang sống, con cháu sinh ra đời có lá số sinh thần không tốt, thể trạng không tốt, thần khí u mê kém may mắn.
Trong thời đại công nghệ thông tin, ngày càng ít người quan tâm đến lãnh vực chuyên môn của một thầy Địa lý, phần lớn do chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc chọn nơi sinh sống làm ăn hay định huyệt chôn cất người mất, mọi việc liên quan đến an táng đã có các cơ sở dịch vụ lo liệu, nếu Địa táng thì vào Nghĩa trang tập trung, Thầy Địa lý gần như không có đất sống. Người hành nghề luôn chịu cái nhìn định kiến của xã hội, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó khăn, phần lớn kiến thức bị thất truyền, đối với người thầy lại đòi hỏi phải có chuyên môn, đạo đức, kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết chuyên sâu cùng nhiều yếu tố khác, phải đối diện nhân quả bản thân nên người theo nghiệp này ngày càng thưa thớt..
Mặc dầu bản thân rất ham thích khám phá các môn huyền học xong kiến thức có hạn, sách vở tuy nhiều nhưng chân giả lẫn lộn, người viết sách phần lớn ít thực hành Phong thủy, đặc biệt Âm trạch, vì lẽ ít có Thầy chuyên viết sách nào lại muốn nhận công việc táng mộ phần, nữa đêm ra Nghĩa trang nhảy xuống huyệt mộ xác định độ số quan quách, âm khí trùng trùng nếu không có phương pháp bảo vệ hộ thân thì rất nguy hiểm, tự nhiên chảy nước mắt mà không được chỉ cách cứu chữa kịp thời thì dù có uống Đông hay Tây Y đến hạn 49 ngày là dễ găp Diêm Vương.
Chỉ vì lòng đam mê mà không tiếc công sức và thời gian khám phá nghiên cứu các kiến thức ẩn chứa trong cách xây dựng đền đài, miếu mạo, các huyệt vị của các danh thần từ khắp các tỉnh thành, đến các công trình của Tổ sư từng thực hiện tại Trung Hoa hàng ngàn năm trước, các làng cổ nơi sản sinh hàng ngàn Tiến Sĩ qua các triều đại Trung Hoa thì không thể hiểu hết giá trị mà cổ nhân để lại cho hậu thế.
Để trở thành một thầy Địa lý đúng nghĩa, ngoài kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, còn phải trãi qua những thử thách của bản thân, đòi hỏi sự cẩn trọng trong tính toán để quyết định độ số cho bia đá, thao tác chuẩn xác, tâm tư không dao động, một phân kim quyết định hưng suy cho gia chủ, người thân liên đới hay cả một dòng họ về sau. Kinh viết : “Thị dữ quân tử đoạt thần công, cải đại mệnh – Họa phúc bất toàn Nhật, Táng Sơn chi nhược Pháp, nhược hô hấp trung ngôn ứng dã – Quách Phác“. Mệnh làm Thầy Địa lý tức làm chủ thuật Âm Dương, làm chủ họa phúc của gia chủ, có thể thay mặt thần linh mà hoán đổi Thiên mệnh, đoạt quyền của tạo hóa mà gieo duyên, sự ứng nghiệm chỉ trong một hơi thở nên rất cần phải chí công vô tư. Điều cấm kị chính là không để sự tham lam, ghen ghét, tư lợi của bản thân ảnh hưởng đến lương tâm nghề nghiệp, vì như vậy sẽ đi nghịch lại Thiên đạo, trời đất không dung.
Học thuật là mênh mông, một đời cố gắng cũng không tường tận hết được, chi bằng thực địa thi hành nhiều biện pháp của cổ nhân ủng hộ người hữu duyên, cũng là toại chí, không phụ sở học của tiền nhân.
Phụng Tiên Sanh